TIN NỔI BẬT:

Cổng thông tin điện tử Công An tỉnh Kiên Giang

Tin nhanh

Xem với cỡ chữAA

NHẬN DIỆN VỚI NHỮNG “CHIÊU TRÒ” LỪA ĐẢO QUA ĐIỆN THOẠI VÀ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

(09:15 | 19/12/2022)

Thời gian qua, hoạt động của tội phạm lừa đảo qua điện thoại và trên không gian mạng trên toàn quốc nói chung, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nói riệng có nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng; có vụ, bị hại bị chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng và bức xúc trong Nhân dân. Các đối tượng xây dựng kịch bản, phương thức phạm tội chuyên nghiệp, có tổ chức.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh các đơn vị chức năng Công an Kiên Giang đã ghi nhận 47 vụ việc, có vụ người tham gia đầu tư bị lừa, bị chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng; trong đó, Công an thành phố Phú Quốc đã tiếp nhận 28 vụ, với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 3,6 tỷ đồng. Các đối tượng dùng những “chiêu trò” phổ biến qua điện thoại và trên không gian mạng, như: Giới thiệu việc làm, tuyển cộng tác viên làm việc cho các sàn thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Tiki…); giả danh lực lượng chức năng để gọi điện; tạo lập các trang mạng giả danh cơ quan, sử dụng giấy tờ giả để chiếm quyền sử dụng “Sim” điện thoại, đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng…Hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân, các đối tượng giả danh là: tập đoàn, công ty tài chính (uy tín, hàng đầu của nước ngoài để huy động vốn, lôi kéo khách hàng đầu tư, trả hoa hồng theo mô hình đa cấp; thường xuyên tổ chức hội thảo, giới thiệu trực tuyến, cam kết về các khoản lợi nhuận khủng) để lôi kéo, thu hút người tham gia. Khi huy động được số lượng lớn tiền đầu tư, các đối tượng can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm người chơi thua lỗ hoặc “đánh sập” hệ thống để chiếm đoạt.

Với mục đích, nhằm bảo đảm tình hình an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, sống để cống hiến và làm việc theo pháp luật, phải hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không để Nhân dân “sập bẫy” với những “chiêu trò” lừa đảo của tội phạm qua điện thoại và trên không gian mạng, người dân cần nhận diện những thủ đoạn lừa đảo phổ biến sau:

- Đối tượng sử dụng SIM điện thoại khuyến mại hoặc thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo mạo danh các công ty viễn thông gửi tin nhắn thông báo khách hàng trúng các phần thưởng có trị giá lớn, như: xe máy, máy giặt, ti vi (vật có giá trị), số lượng lớn tiền mặt… rồi yêu cầu người nhận tin nhắn đó (bị hại) gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng chúng đã chuẩn bị từ trước, mua thẻ cào điện thoại hoặc mua một thiết bị nào đó có giá trị thấp, chuyển tiền cho chúng làm thủ tục nhận thưởng, rồi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Qua mạng xã hội Facebook, đối tượng giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu thương, đề nghị chuyển quà, như: Trang sức, mỹ phẩm và số lượng lớn tiền USD qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng, tiếp theo giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng, rồi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Đối tượng Hack các tài khoản Facebook, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị người nhà mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng hoặc mượn tiền và yêu cầu gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp, rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt.

- Đối tượng gọi điện đến các thuê bao di động hoặc qua mạng xã hội giới thiệu là có người nhà làm trong các công ty xổ số có khả năng biết trước kết quả, chúng gửi số lô, số đề; hứa cung cấp tiền để đánh; sau đó thông tin hết tiền, đề nghị bị hại bỏ tiền đánh, chia phần trăm hoa hồng. Những người trúng gửi tiền theo thỏa thuận cho bọn chúng thì bị chiếm đoạt.

- Đối tượng tạo ra các ứng dụng, Website cho vay tiền, quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) với mục đích tìm người muốn vay tiền để thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi người muốn vay tiền tải ứng dụng về điện thoại; đăng nhập thông tin theo yêu cầu thì hệ thống Website đã gửi tin nhắn qua Zalo trực tuyến tại bộ phận xét duyệt và thông báo nếu muốn mượn tiền thì người vay phải đóng lãi số tiền vay trước thì mới gửi mã mật khẩu để rút tiền. Sau khi người vay tiền chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì hệ thống thông báo người chuyển tiền nhập sai số tài khoản nên bị đóng băng và yêu cầu người vay phải chuyển thêm tiền để kích hoạt lại tài khoản. Số lần yêu cầu người vay tiền chuyển khoản thường không có giới hạn, toàn bộ số tiền người vay chuyển khoản vào tài khoản các đối tượng chuẩn bị trước đều bị chiếm đoạt.

- Đối tượng tạo lập các trang, tài khoản mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook, Zalo), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng, cung cấp những nội dung không có thật về cơ quan, tổ chức, cá nhân; cung cấp tài khoản ngân hàng, đề nghị, kêu gọi chuyển tiền trợ giúp. Nếu các bị hại chuyển tiền thì bị đối tượng chiếm đoạt.

- Đối tượng lập công ty, Website tổ chức kinh doanh sàn ngoại hối (forex), tiền điện tử (Altcoin). Để thu hút “nhà đầu tư”, đối tượng đưa những người tự xưng là chuyên gia về lĩnh vực tài chính, làm quen kết bạn yêu đương rồi chia sẻ kinh nghiệm, quảng cáo trên mạng xã hội, gọi điện thoại trực tiếp mời người dân tham gia. Đối tượng khẳng định lợi nhuận rất cao (từ 10% - 30%/phút). Các phần mềm được các đối tượng can thiệp vào quá trình giao dịch, không có các tính năng như quảng cáo. Khi người dân tham gia, nộp tiền để “đầu tư” thì bị lợi dụng, chiếm đoạt.

- Các đối tượng kết nối, giao tiếp với bị hại nội dung tuyển dụng việc làm Online. Sau khi người bị hại liên lạc thì được đối tượng giao việc ứng tiền để chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng chỉ định, sau khi thực hiện thành công, các đối tượng chuyển khoản trả cả tiền gốc và tiền công cho người bị hại (với số tiền công lớn để tạo lòng tin của người bị hại). Sau một dài lần giao dịch thành công, do được hưởng lợi lớn và tin tưởng đối tượng sẽ chuyển trả lại tiền nên các bị hại đã thực hiện chuyển số tiền lớn đến các tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng. Sau đó, đối tượng không chuyển trả tiền như đã hứa hẹn và cắt liên lạc với bị hại, chiếm đoạt tiền.

- Đối tượng sử dụng SIM điện thoại khuyến mại giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có chương trình tri ân khách hàng, đề nghị bị hại cung cấp số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet Banking và mã xác thực OTP để nhận quà tặng là một khoản tiền có giá trị lớn từ một ngân hàng, sau khi bị hại cung cấp các thông tin này bọn chúng chiếm quyền sử dụng dịch vụ Internet Banking và chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại sang tài khoản của bọn chúng đã chuẩn bị từ trước để chiếm đoạt.

- Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân giả mạo đăng ký các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo; sau đó, kiếm những người bán hàng (hải sản, nông sản…) trên mạng xã hội để kết bạn và nhắn tin mua hàng. Sau khi người bán hàng đồng ý thì các đối tượng sẽ yêu cầu gửi tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ Internet Banking, số điện thoại và thông tin của chủ tài khoản. Sau khi nhận được thông tin, đối tượng tạo cớ chuyển tiền mua hàng không thành công, đề nghị người bán hàng truy cập vào trang Web giả mạo của ngân hàng để nhập đầy đủ thông tin, như: Tên tài khoản, số tài khoản và mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận tiền. Khi bị hại nhập thông tin và mã OTP (là mã do ngân hàng cung cấp để thực hiện giao dịch chuyển nhận tiền) thì các đối tượng chiếm được quyền sử dụng dịch vụ Internet Banking của tài khoản ngân hàng đó và ngay lập tức sẽ rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của bị hại chuyển tới tài khoản khác để chiếm đoạt.

- Sử dụng SIM rác, mạo danh nhân viên nhà mạng gọi điện, nhắn tin cho chủ thuê bao, lấy lý do hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM từ 3G lên 4G, yêu cầu khách hàng làm theo cú pháp, truy cập đường Link chúng nhắn. Nếu làm theo, SIM của chủ thuê bao sẽ bị khóa, không tin của số thuê bao được chuyển sang SIM mới của đối tượng. Trong thời gian chiếm quyền kiểm soát SIM, bọn tội phạm bẻ khóa, truy cập vào các tài khoản của chủ thuê bao gắn với số điện thoại cá nhân, nhất là tài khoản thẻ ứng dụng. Mục đích chiếm quyền sử dụng số điện thoại để phá bảo mật, nhập mã OTP từ nhà cung cấp dịch vụ hay ngân hàng để có thể bẻ khóa, xâm nhập chiếm đoạt tài sản trong tài khoản.

- Các tổ chức, cá nhân quản trị, môi giới, lôi kéo người dân tham gia sàn ngoại hối, tiền điện tử hiện nay tại Việt Nam hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật nên việc người dân đưa tiền vào đầu tư là rỉu ro. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh trên mạng.

Các tầng lớp Nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực hỗ trợ và cùng lực lượng Công an phòng, chống tội phạm lừa đảo qua điện thoại di động và trên không gian mạng. Nếu bị lừa đảo hoặc phát hiện loại tội phạm này nên mạnh dạng báo ngay cơ quan Công an gần nhất để đấu tranh triệt xóa, góp phần bảo vệ “nền tảng” cho Nhân dân an tâm kinh doanh, sản xuất./.

Trần Tại