Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/01/2021; Nghị định đã quy định một số điểm mới phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý Nhà nước và đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm về pháo. Nghị định quy định phân biệt rõ giữa pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa, quy định loại pháo được phép sử dụng, loại pháo nào nghiêm cấm sử dụng và đối tượng nào được sử dụng:
- Pháo nổ: Chứa thuốc pháo nổ, gây ra tiếng nổ (Một số loại pháo nổ thường thấy: Pháo bi, pháo cối, pháo bánh, pháo tép…). Nghị định số 137/CP quy định rõ nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trong mọi trường hợp đối với các loại pháo này.
- Pháo hoa nổ: Là sản phẩm chứa thuốc nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, ánh sáng màu sắc trong không gian (Một số loại pháo hoa nổ thường thấy: Pháo hoa do lực lượng Quân đội bắn vào đêm giao thừa hàng năm; các loại pháo dàn, hộp 36 hoặc 48 quả mà một số đối tượng đốt trái phép gây ra tiếng rít, tiếng nổ và màu sắc trong không gian). Loại pháo này cơ bản cấm như pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng theo quy định tại Nghị định số 137/CP.
- Pháo hoa: Chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ (Một số loại pháo hoa thường thấy: Que, nến, pháo bông khi đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc mà không có tiếng nổ). Đây là loại pháo cho phép các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng. Pháo hoa sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Khi sử dụng chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (việc mua ở các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng trang trí như hiện nay là không đúng quy định của pháp luật).
Không sử dụng vào các mục đích khác; nếu sử dụng ở nơi công cộng mà gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự thì có thể bị xử lý hình sự như các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc xử phạt hành chính về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội cụ thể là:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng pháo mà không được phép.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 3 tỷ đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán.
Tết đến, xuân về, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của mỗi chúng ta và cộng đồng, để chủ động ngăn chặn nguy cơ cháy nổ, thương vong, mất an ninh, trật tự mỗi cán bộ, mọi người dân, cần chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo, hãy cùng lực lượng Công an thực hiện tốt Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chấp hành các quy định không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ, hãy phát huy tinh thần làm chủ trong bảo đảm an ninh, trật tự, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; để tất cả chúng ta hưởng một mùa Xuân vui tươi, an toàn./.