Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", các bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Kiên Giang đang triển khai quyết liệt các biện pháp để sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo tiến độ hoàn thành tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong quá trình này, công tác bảo vệ bí mật nhà nước được đặt ra là một nhiệm vụ rất quan trọng, các cơ quan, tổ chức, địa phương cần quan tâm thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, trong đó lưu ý những vấn đề sau:
Một là, Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc theo dõi, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Tăng cường làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định bảo mật, chủ động phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước. Chỉ đạo bộ phận chuyên môn thực hiện chặt chẽ công tác thống kê, sắp xếp, bàn giao, tiêu hủy, giải mật tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, quản lý sử dụng các con dấu dùng trong bí mật nhà nước…trong quá trình chia tách, sáp nhập, giải thể cơ quan, đơn vị.
Hai là, Cán bộ làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước phải tăng cường làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc quản lý, sử dụng tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trong quá trình cơ quan, đơn vị thực hiện việc chia tách, sáp nhập, giải thể. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị phải đề xuất, tham mưu thủ trưởng cơ quan về phương hướng xử lý đối với các tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước do mình đang quản lý; thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận, chuyển giao, thống kê, lưu trữ, tiêu hủy, giải mật bí mật nhà nước theo đúng quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018. Khi chuyển công tác, được phân công nhiệm vụ công tác khác hoặc được giải quyết chế độ chính sách, không còn quản lý bí mật nhà nước thì phải làm cam kết bảo vệ bí mật nhà nước đã quản lý.
Ba là, Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được sắp xếp, thống kê (theo mẫu số 18, thống kê bí mật nhà nước - ban hành kèm theo Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước), đưa vào lưu trữ hiện hành, lưu trữ lịch sử theo quy định của Luật lưu trữ (nghiên cứu Điều 24 Luật lưu trữ năm 2011; từ ngày 01/7/2025, Luật lưu trữ năm 2024 có hiệu lực thi hành, triển khai thực hiện theo Điều 12, 13 Luật lưu trữ năm 2024). Rà soát các trường hợp cần thiết gia hạn thời hạn bảo vệ, giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước, thực hiện nghiêm quy trình quy định tại Điều 20, 22, 23 Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018. Quá trình chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải có ký nhận chặt chẽ; nơi gửi và nơi nhận phải kiểm tra, đối chiếu để kịp thời phát hiện sai sót và có biện pháp xử lý; việc giao, nhận phải được ghi đầy đủ vào sổ theo dõi, ký nhận đúng quy định.
Đặc biệt trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, đối với các máy tính, thiết bị lưu trữ, thiết bị khác dùng trong bí mật nhà nước, khi chuyển giao cho cơ quan, đơn vị khác phải thực hiện đúng quy trình quản lý bí mật nhà nước. Quá trình bàn giao, chuyển giao vật chứa bí mật nhà nước phải vào sổ theo dõi, ký nhận (khi chuyển giao phải ghi rõ thông tin thiết bị, số series, số máy…để tránh nhầm lẫn, thất lạc). Tùy vào yêu cầu, tình hình thực tế để tính toán việc xử lý đối với thiết bị, dữ liệu bí mật nhà nước chứa trong thiết bị.
Trường hợp chuyển mục đích sử dụng máy tính phải thực hiện nghiêm quy định, kiểm duyệt đảm bảo an toàn thông tin (chuyển máy tính dùng trong bí mật nhà nước sang máy kết nối internet và ngược lại; trang bị máy tính mới phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước).
Trường hợp tiêu hủy vật chứa bí mật nhà nước phải đảm bảo quy định về thẩm quyền, quy trình, thủ tục tiêu hủy, đảm bảo không để xảy ra lộ, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
Bốn là, Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị cần khẩn trương thực hiện các công việc: (1) Bổ sung, xây dựng Nội quy bảo vệ bí mật nhà nước. (2) Lựa chọn cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn phù hợp bố trí tại các bộ phận, đơn vị trọng yếu, cơ mật. (3) Phân công cán bộ chuyên trách/ kiêm nhiệm công tác bảo vệ bí mật nhà nước. (4) Thành lập, kiện toàn Ban/Tổ chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước. (5) Trang bị hệ thống sổ sách, con dấu, biểu mẫu đảm bảo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước.

Ban chỉ đạo Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18–NQ/TW tỉnh Kiên Giang họp định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh
Công tác bảo vệ bí mật nhà nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, vấn đề này được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Ngày 14/11/2024, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Nghị quyết số 73-NQ/TU về tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ Đảng; trong đó có khẳng định: bảo vệ bí mật nhà nước “là trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương” và “Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN; xử lý liên đới trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra vi phạm”.Quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức là việc hệ trọng, đòi hỏi công tác bảo vệ bí mật nhà nước phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; do đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, vì lợi ích chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, chấp hành nghiêm quy định bảo vệ bí mật nhà nước, tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.