Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Phổ biến, giáo dục Pháp luật

Xem với cỡ chữAA

Một số nội dung cần chú ý trong thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ bí mật nhà nước đối với Công an xã/phường/thị trấn

(13:13 | 18/01/2025)

Hiện nay, việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước rất được chú trọng và quan tâm. Năm 2024, Ban Chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và tổ chức 06 lớp tập huấn việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước cho Công an  xã/phường/thị trấn. Từ đó, công tác này ngày càng đi vào nền nếp, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước. Nhận thức và hành động trong cán bộ chiến sỹ ngày càng được nâng cao. Trong thời gian qua, trong lực lượng Công an không có trường hợp nào vi phạm quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước tại Công an cấp xã còn nhiều hạn chế, có nguy cơ dẫn đến lộ, mất bí mật nhà nước như: Việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước có lúc, có nơi còn chậm; việc thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh mạng, an toàn, an ninh thông tin còn nhiều hạn chế; một số cán bộ, chiến sỹ chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về công tác này; chưa nắm vững quy trình soạn thảo, đề xuất, xác định độ mật cho văn bản theo quy định danh mục bí mật nhà nước của ngành nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện; chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng các thiết bị lưu trữ ngoại vi (như USB, ổ cứng di động, điện thoại di động thông minh...) để quản lý chặt chẽ bảo đảm đúng quy định trong lưu trữ tài liệu chứa bí mật nhà nước.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, kịp thời chấn chỉnh không để xảy ra sai phạm trong công tác này, Công an cấp xã cần phải quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường triển khai quán triệt đến Công an cấp xã thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, một số văn bản cần thường xuyên triển khai lại để cán bộ chiến sỹ nắm vững, gồm:

- Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, số 29/2018/QH14 ngày 15/11/2018.

- Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

- Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình.

- Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

- Thông tư 104/2021/TT-BCA ngày 08/11/2021 của Bộ Công an quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân.

- Quyết định số 25/QĐ-TTg ngày 11/4/2023 về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. 

- Nội quy bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an tỉnh ban hành theo Quyết định số 188/QĐ-CAT-ANCTNB ngày 19/4/2024 của Công an tỉnh Kiên Giang và Nội quy bảo vệ bí mật nhà nước của Công an huyện, thành phố.

Hai là, thường xuyên triển khai, quán triệt cán bộ chiến sỹ nắm vững quy định và thực hiện nghiêm một số nội dung sau:

- Xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước: Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Khoản 1 điều 2 Nghị định 26, Điều 3 Thông tư số 104/2021/TT-BCA ngày 08/11/2021 của Bộ Công an quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân (gọi tắt là Thông tư 104/2021/TT-BCA). Căn cứ trực tiếp xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước là danh mục bí mật nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hệ thống danh mục bí mật nhà nước các ngành, lĩnh vực được áp dụng chung; trọng tâm thực hiện nghiêm Quyết định số 25/QĐ-TTg ngày 11/4/2023 về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

- Tài liệu bí mật nhà nước phải có Phiếu đề xuất độ Mật, thể hiện nơi nhận, số lượng bản phát hành, tên người soạn thảo, được phép hoặc không được phép sao, chụp ở mục nơi nhận của tài liệu. Trường hợp văn bản điện tử, người soạn thảo phải tạo dấu chỉ độ mật trên văn bản sau khi được người có thẩm quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; văn bản điện tử khi in ra để phát hành phải đóng dấu độ mật theo quy định.
Trường hợp các văn bản có tính chất lặp đi lặp lại như báo cáo chuyên đề, báo cáo định kỳ có cùng một độ mật thì xác định độ mật một lần cho loại văn bản đó.

- Việc giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được thực hiện, quản lý chặt chẽ; được ghi chép đầy đủ vào hệ thống sổ theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-Bộ Công an (Sổ Đăng ký bí mật nhà nước đi, Sổ Đăng ký bí mật nhà nước đến, Sổ chuyển giao bí mật nhà nước). Trang bị những mẫu dấu như: chỉ độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật; ký hiệu A, B, C; Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; Gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; Giải mật; Điều chỉnh độ mật; Tài liệu thu hồi; Chỉ người có tên mới được bóc bì; Bản số.

- Cần chú ý, Ban chỉ huy Công an xã, phường, thị trấn không có thẩm quyền sao chụp tài liệu mật.

- Nghiêm cấm việc soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

Ba là, Ban chỉ huy Công an cấp xã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở cán bộ chiến sỹ, kịp thời phát hiện, xử lý và báo cáo với cấp trên khi xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý; Tổ chức thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi người được phân công quản lý bí mật nhà nước thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, từ trần hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước.

Bốn là, quán triệt đến cán bộ chiến sỹ thực hiện nghiêm trách nhiệm của người tiếp cận bí mật nhà nước và trực tiếp quản lý bí mật nhà nước. Trường hợp phát hiện vi phạm trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước thì người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước phải có biện pháp xử lý và kịp thời báo cáo người có trách nhiệm giải quyết để có biện pháp khắc phục. Trước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước thì phải bàn giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý và cam kết bảo vệ bí mật nhà nước đã quản lý.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới, Công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, kịp thời triển khai quán triệt các văn bản mới hướng dẫn về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, chú trọng tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác và chấp hành pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước cho cán bộ chiến sỹ trong đơn vị; tổ chức tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng các tiêu chuẩn về chính trị, trình độ, năng lực, nhất là số cán bộ có điều kiện tiếp xúc bí mật nhà nước; thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng và khai thác hồ sơ, tài liệu mang bí mật nhà nước đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thường xuyên tự kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, chủ động phòng ngừa các vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trong tình hình mới.
 

Thúy Hằng
EMC Đã kết nối EMC