Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Cảnh giác

Xem với cỡ chữAA

Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo bán tiền giả trên mạng

(00:00 | 30/11/2017)

Gần đây trên internet đang nở rộ những trang web và trang mạng xã hội buôn bán tiền giả với những lời chào mời có cánh như: "giống tiền thật 99%", "bán tiền giả không cọc, uy tín, chất lượng, tạo niềm tin",... khiến nhiều người ham tiền mờ mắt. Nhiều người đã chuyển khoản tiền đặt cọc hay nhận hàng qua bưu điện theo dạng nhận hàng trả tiền (COD) và không bao giờ nhận được hàng như thỏa thuận.

Đầu tháng 9/2017, nghe bạn bè nói trên mạng internet có rao bán tiền giả, nên trong một lần lên mạng dò tìm, Chị L.T.T ngụ phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá bất ngờ khi thấy hàng loạt các trang cá nhân công khai rao bán tiền giả với những lời mời chào hấp dẫn. Nhấp chuột vào trang có tên “Shop tiền giả uy tín ...”, chị càng ngạc nhiên hơn khi đọc lời rao bán với mức chênh lệch cao cũng khẳng định chắc nịch về uy tín.

Trót nổi lòng tham, chị T điền thông tin và đặt mua 07 triệu đồng tiền giả (loại 500 ngàn đồng) với giá 01 triệu đồng tiền thật. Sau khi 2 bên liên lạc qua điện thoại thỏa thuận cách giao nhận thì khoảng 01 tuần sau, chị T được bưu điện thông báo ra nhận hàng. Phần thì tin tưởng, phần thì bên bán hàng không cho xem hàng trước khi trả tiền nên chị T nhanh chóng trả 01 triệu đồng cho bưu tá rồi lấy gói bưu kiện mang về. Đi được một đoạn chị T nghi ngờ nên xé ra xem thì bên trong gói hàng không phải là tiền giả mà chỉ là một quyển sách nhỏ có kích thước tương tự với những tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng. Biết mình bị lừa nên chị T đến khiếu nại với bưu điện và được phía bên bán đồng ý trả lại tiền. Một trường hợp khác là anh T.Đ.C ngụ phường An Hòa, TP. Rạch Giá cũng đặt mua tiền giả qua mạng và được bưu điện giao hàng đến nhà, sau khi thanh toán 01 triệu đồng, anh C mở gói hàng ra xem thì cũng nhận được một quyển sách tương tự của chị T và anh C đã bị mất tiền vì hành vi thiếu hiểu biết pháp luật của mình. 

Ngoài chị T và anh C, theo cơ quan chức năng thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có rất nhiều trường hợp mua tiền giả qua mạng và bị lừa với cùng thủ đoạn. Do có tính chất phạm pháp nên có trường hợp người mua dù bị các đối tượng bán tiền giả trên mạng lừa đảo, tiền mất mà không nhận được "hàng" như ý muốn, cũng không dám trình báo cơ quan chức năng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những kẻ đăng các hình ảnh hấp dẫn cùng những lời quảng cáo "có cánh" về mua bán tiền giả chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm đánh vào lòng tham của người dùng. Nhiều người đã từng bị sập bẫy nhưng đành cam chịu, không dám trình báo Công an vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả .Trong khi đó, việc rao bán tiền giả  trên mạng thời gian gần đây hoạt động khá công khai. Ngoài các giao dịch là thật, còn lại là lừa đảo. Sau khi nhận tiền của người mua, các đối tượng lừa đảo “lặn” mất. Nếu hành vi bị phát hiện, cả người bán lẫn người mua đều bị xử lý nghiêm.

Theo điều 180, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả. Tùy theo số tiền, mức phạt có thể lên tới hình phạt tù chung thân. Trường hợp rao bán tiền giả chỉ là thủ đoạn để chiếm đoạt tiền, nếu gây thiệt hại từ hai triệu đồng trở lên, người này sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 139 Bộ luật hình sự./.

EMC Đã kết nối EMC